Gỗ công nghiệp bị ngấm nước: Mẹo “chữa lành” kịp thời, nhanh chóng
Gỗ công nghiệp có khả năng chống nước ở một mức độ nhất định. Khi vượt quá giới hạn, đồ gỗ, sàn gỗ bị ngập lâu trong nước do mưa bão, các lớp cấu tạo sẽ bắt đầu giãn nở, phá vỡ liên kết trong đó. Nếu không có phương án xử lý gỗ công nghiệp bị ngấm nước kịp thời, nội thất sẽ bị hỏng, vừa nguy hiểm lại tốn kém.
Khả năng chống nước của gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp có khả năng chống nước ở một mức độ nhất định. Phụ thuộc vào tỉ lệ thành phần, từng loại cốt gỗ, bề mặt phủ, quy trình sản xuất, thi công… Gỗ công nghiệp của Châu Âu, Malaysia, Thái Lan đều đã được thử nghiệm độ trương nở theo chiều dày sau 24 giờ ngâm nước. Đảm bảo vật liệu có khả năng chống chịu nước, độ ẩm đạt tiêu chuẩn để sản xuất đồ dùng nội thất.
Ngoài ra, khi thi công, tấm dán phủ trên bề mặt cũng có khả năng chống nước khá tốt (melamine, laminate, acrylic…). Gần như không thể ngấm nước qua trực tiếp bề mặt. Tăng thêm độ bền cho vật liệu.
Nguyên nhân, hậu quả
Nhưng khi nước ngấm vượt quá giới hạn, các lớp cấu tạo sẽ bắt đầu giãn nở, phá vỡ liên kết trong đó.
Thêm nữa, gỗ công nghiệp bị ngấm nước rất lâu khô. Bởi vì cả 2 mặt đều được dán bằng tấm phủ kín. Nước bên trong chỉ có thể thoát ra từ các cạnh dán ở bên.
Hậu quả, tấm ván ghép bị cong vênh, phồng rộp. Lâu ngày không được xử lý, gỗ sẽ bắt đầu có hiện tượng mục nát, hỏng. Vừa mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí sửa chữa; lại có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Nguyên nhân có thể do thời tiết nồm ẩm vào mùa Xuân (đặc trưng của miền Bắc). Hoặc nhà bị ngập nước do bão lũ. Sàn gỗ ngoài hiên thường xuyên bị nước mưa tạt vào. “Mưa dầm thấm lâu” nên các đồ dùng – kể cả gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp – cũng không tránh khỏi tình trạng ngấm nước.
Lý do chủ quan là do thi công sai kỹ thuật, dán cạnh chưa kín. Nó khiến nước ngấm theo cạnh bên vào trong ruột. Hoặc trong quá trình sử dụng, đồ gỗ (nhất là sàn gỗ cạnh phòng tắm, nhà bếp) thường xuyên bị ẩm ướt, đọng nước. Không được lau khô kịp thời. Ngoài ra, bạn mua nhầm vật liệu giá rẻ chất lượng kém cũng khiến đồ dùng kém bền.
Trường hợp nữa là do đường ống dẫn nước bị hư hỏng. Nước rò rỉ ngấm vào tường, sàn và những đồ dùng nội thất kê gần đó.
Dấu hiệu nhận biết
Đồ gỗ, sàn gỗ công nghiệp bị ngấm nước rất dễ phát hiện. Dấu hiệu nhận biết là bề mặt phủ có hiện tượng biến dạng, phồng, cong vênh lên – hiện tượng giãn nở, trương nước.
Bị cong lên nên các tấm sàn gỗ sẽ bị rút lại khoảng 0,5cm. Nó tạo ra khe hở giữa điểm nối. Nước bẩn sẽ dễ len lỏi hơn vào bên trong khiến tình trạng hỏng hóc càng “trở nặng” hơn. Mốc, mối mọt xuất hiện. Bao gồm cả các vết lấm chấm đen, trắng.
Cách “chữa lành” đồ gỗ công nghiệp bị ngấm nước
Cách khắc phục, sửa chửa đồ gỗ công nghiệp bị ngấm nước không khó.
Với sàn gỗ
Nếu sàn bị ngậm nước cục bộ
- Bước 1: Dùng giẻ mềm để lau quét hết phần nước đó. Tuyệt đối không dùng chổi cứng để quét nước lên sàn. Vì nó có thể khiến cho bề mặt sàn gỗ bị trầy xước, làm giảm tính thẩm mỹ.
- Bước 2: Dùng quạt hoặc bật điều hòa để hong khô nước, giúp nước nhanh bốc hơi. Không dùng máy sấy để sấy trực tiếp. Nó sẽ khiến sàn bị hỏng nhanh hơn.
Nếu diện tích bị ngập nước nhiều
- Bước 1: Di chuyển đồ đạc ra khỏi vùng sàn bị ngâm nước. Lau nước trên sàn. Tháo nẹp gỗ ở sàn tường – chọn thanh nẹp dọc theo chiều dài của sàn gỗ. Tiếp theo mới tháo thanh ván gỗ ra, tháo lần lượt từ ngoài cửa vào trong.
- Bước 2: Dựng thẳng tấm gỗ lên tường. Phơi ở nơi nhiều gió hoặc dưới ánh nắng nhẹ nhàng. Nếu thời tiết không thuận lợi thì dùng quạt thổi liên tục đến khi sàn khô thì lắp nẹp gỗ vào vị trí cũ.
- Bước 3: Tháo lớp xốp lót ở bên dưới, lai sạch nước, tái sử dụng. Lau lại sàn gỗ bằng giẻ khô thêm 1 lần nữa thì lắp đặt lại như cũ.
Lưu ý:
- Không dùng máy sấy nhiệt độ cao hoặc hong khô trước ngọn lửa.
- Không phơi trực tiếp dưới nắng gắt.
- Với những tấm ván đã bị trương phồng quá mức, không có khả năng tái sử dụng thì nên thay mới.
Với cửa gỗ
Cửa gỗ công nghiệp thường làm bằng tấm MDF lõi xanh hoặc HDF siêu chống ẩm. Khả năng chống ngấm nước của vật liệu rất tốt. Chỉ trừ trường hợp nhà bị ngập do lũ bão hoặc mưa tạt lâu ngày.
Trường hợp cửa gỗ công nghiệp ngấm nước, có hiện tượng phồng, cong lên ta khắc phục như sau:
- Tháo bản lề cửa, dựng nơi khô ráo, thoáng mát để hong khô. Cũng có thể bật quạt, điều hòa.
- Nếu trên cửa có những vết đốm trắng thì cần xử lý trước. Sử dụng dung dịch kem đánh răng và baking soda trộn đều. Nhúng tấm vải ẩm vào đó rồi chà nhẹ lên vết đốm trắng đó. Sau đó dùng vải cotton khô đánh bóng lại.
- Nếu trên cửa có những vết đen, nghĩa là nước đã ngấm vào bên trong gây nấm mốc. Cần sử dụng dung dịch tẩy trắng nấm mốc. Dùng sơn vecni phủ bề mặt để che khuyết điểm.
Các đồ dùng nội thất khác
Thời tiết nồm ẩm khiến đồ dùng nội thất bị ngấm nước? Trước tiên dùng giẻ khô lau sạch. bật điều hòa thông thoáng để giảm độ ẩm trong phòng.
Đồ gỗ bị ẩm rất dễ sinh mối mọt. Bạn có thể dùng vecni đánh bóng một lớp bên ngoài.
Nếu nhà bị ngập nước do bão lũ, đồ dùng đã hư hỏng nặng không thể sử dụng, bạn nên bỏ đi, thay mới.
Sau khi loại bỏ hết nước, sàn khô thì khả năng nấm mốc phát triển rất cao nếu gặp thời tiết nồm ẩm. Vì thế, bạn cần thực hiện một vài phương án chống nấm mốc cho đồ dùng, sàn, cửa.
Cách sử dụng đồ nội thất gỗ công nghiệp bền đẹp bất chấp thời gian
Tuy rẻ hơn gỗ tự nhiên. Nhưng kỳ thực nó cũng sẽ tốn một khoản chi phí khá lớn nếu phải thay mới lại. Vì thế, một vài lời khuyên sẽ giúp bạn sử dụng đồ dùng nội thất gỗ công nghiệp trong nhà luôn bền đẹp như mới.
Không để tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Quan trọng nhất là không nên để các món đồ dùng nội thất trong nhà của mình ánh nắng trực tiếp. Vì bề mặt gỗ dễ bị phai màu, co ngót lại. khi đó, kết cấu sợi gỗ bị phá vỡ. Nên gỗ bị nứt ra. Cũng không nên đặt gần nơi có nguồn nhiệt cao như bếp lò, lò sưởi.
Lưu ý độ ẩm trong nhà
Nên giữ độ ẩm trong nhà ở mức 40 – 45%. Bạn có thể sử dụng đồng hồ đo độ ẩm, nhiệt độ đặt trong nhà.
Vào mùa nồm ẩm, thường xuyên dùng khăn khô lau bề mặt bị đọng nước.
Lắp đặt thêm quạt thông gió, quạt hút ẩm ở tầng hầm (nếu có hầm) để căn nhà luôn thông thoáng.
Làm sạch định kỳ
Một trong những cách đơn giản nhất là lau chùi định kỳ 1 – 2 lần/ tuần. Sử dụng giẻ khô mềm hoặc ẩm lau sạch bụi bẩn. Dọn dẹp định kỳ vừa giúp đồ dùng sạch bong, sáng bóng, vừa kéo dài tuổi thọ sử dụng. Lưu ý không sử dụng hóa chất tẩy rửa, có thể làm mòn bề mặt.
Chất lượng gỗ và tay nghề thi công của thợ ảnh hưởng rất nhiều đến độ bền của vật liệu. Tuy nhiên, lại cũng có không ít người vì thiếu kiến thức chuyên sâu nên bị mua phải vật liệu giá rẻ, chất lượng kém nhưng giá vẫn “như thật”. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là bước đầu tiên lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, xưởng thi công.